Thứ Ba, 26/11/2024
Những bí thư chi bộ khéo dân vận
 
 Bí thư Chi bộ thôn Nà Háng, xã Mồ Dề - Sùng A Lử (bên phải) kiểm tra khu vực
chuồng trại chăn nuôi gia súc của bà con


Năm 2015, Nà Háng là thôn đầu tiên của xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải thực hiện mô hình không thả rông gia súc. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, anh Sùng A Lử - Bí thư Chi bộ thôn kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận thức rõ lợi ích cũng như tầm quan trọng của việc tuyên truyền, vận động bà con người Mông dần dần từ bỏ tập quán lạc hậu này. 

Bí thư Sùng A Lử tâm sự: "Khi bắt đầu triển khai mô hình, lo lắng lớn nhất của bà con là phải di chuyển đàn gia súc ra xa nhà, khó trông coi, sợ trộm cắp. Song, được cán bộ xã quan tâm, tận tình giải thích, bản thân tôi tiên phong gương mẫu thực hiện xây dựng chuồng trại ra xa nhà ở, đúng tiêu chuẩn để bà con nhìn thấy khu vực chuồng trại sạch sẽ, kiên cố; từ đó, dần hiểu và làm theo”. 

Tuy nhiên, để thay đổi thói quen thả rông gia súc có từ lâu đời không phải là việc làm dễ dàng "ngày một ngày hai”. Để có được sự đồng thuận, nhận thức đúng đắn, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, vận động, cho bà con tham quan mô hình mẫu, Bí thư Sùng A Lử cùng với cán bộ xã còn tổ chức cho bà con trong thôn ký cam kết thực hiện mô hình, đến từng hộ hướng dẫn, hỗ trợ cách làm, vật liệu xây dựng… 

Anh Sùng Nhà Dì ở thôn Nà Háng có gần 10 con trâu, bò là một trong những người mạnh dạn thực hiện mô hình từ những ngày đầu phấn khởi chia sẻ: "Việc thả rông gia súc không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nỗ lực hoàn thành tiêu chí XDNTM. Từ ngày xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn, thực hiện chăn nuôi tập trung thì đàn gia súc nhà tôi được chống rét, mưa nắng, ít bệnh tật, chất lượng nâng cao hơn hẳn”. 

Được biết, đến nay, 100% các hộ nuôi gia súc của thôn, xã đều xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn và không còn thả rông.

Còn ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, câu chuyện về Bí thư Chi bộ Thào A Phổng lại khác. Con đường đất nhỏ hẹp đi vào bản ngày nào giờ đây đã được thay bằng con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi. Tất cả là nhờ có sự nhạy bén, năng nổ của Bí thư Thào A Phổng. 

Đầu năm 2019, sau 4 năm làm cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Nậm Khắt, anh Phổng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Hua Khắt và chỉ một thời gian ngắn, Bí thư Phổng đã đứng ra vận động, tuyên truyền bà con hiến đất, bê tông hóa con đường liên thôn dài 1,7 km. Mỗi hộ dân ở đây, người ít hiến vài mét vuông đất, người nhiều vài chục mét để mở rộng con đường, giúp trẻ nhỏ đi học, người dân đi lại và giao thương được thuận lợi. 

Thời gian làm Bí thư Chi bộ chưa lâu, nhưng ngay khi bắt tay vào làm, Bí thư Thào A Phổng luôn quyết tâm, nỗ lực để xứng đáng với sự tin tưởng, quý mến của bà con. Cùng đó, Bí thư Phổng còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư; đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; đặc biệt là tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản, bài trừ hủ tục; phát huy, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc… 

Qua đó, nếu như trước đây, hàng năm thôn có tới hơn 10 trường hợp sinh con thứ 3 thì nay mỗi năm chỉ có từ 1 - 2 trường hợp; tục thách cưới cao đã không còn; đám ma được tổ chức đúng thời gian quy định, người chết được đưa vào quan tài mới tổ chức tang lễ; hạn chế tối đa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nhân dân thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các tuyến đường, thu gom rác thải, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, hố đốt rác; năm 2017, bản Hua Khắt có 72 hộ nghèo, đến năm 2018 giảm còn 63 hộ, năm 2019 số hộ nghèo chỉ còn 55 hộ… 

Được biết, kinh tế chủ lực của bà con đồng bào Mông bản Hua Khắt chủ yếu là trồng sơn tra và thảo quả. Tuy vậy, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Bí thư Thào A Phổng đã tiên phong trồng gần 150 gốc hồng không hạt vụ trước đã cho bói quả và bán với giá từ 30 - 35.000 đồng/kg; gần 1 ha thảo quả và lúa; duy trì đàn lợn rừng 60 con, chăn nuôi gà mang lại thu nhập cao.

Hiện nay, huyện Mù Cang Chải có trên 400 mô hình "Dân vận khéo”, tiêu biểu như: mô hình Tổ hợp tác Nuôi ong mật bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình; mô hình cộng đồng thân thiện với khách du lịch - Đội xe ôm Đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn; lập chòi canh gác lửa bảo vệ rừng - Ban Chỉ đạo Phòng chống cháy rừng; bà Lý Thị Ninh với mô hình dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha; mô hình trang trại sinh thái, du lịch Thành Oanh ở thị trấn Mù Cang Chải; ông Sùng A Sào, bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải với mô hình trồng sơn tra kết hợp nuôi ong mật… 

Trưởng Ban Dân vận huyện Mù Cang Chải - Hảng A Ký cho biết: "Để Phong trào thi đua "Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện cần nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về Phong trào thi đua "Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân; tăng cường tuyên truyền, định hướng Phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong tuyên truyền, vận động nhân dân; chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình "Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo trong giải quyết các "điểm nóng” phức tạp, bức xúc nổi cộm…”.

Làm công tác dân vận chưa bao giờ dễ dàng, người làm dân vận phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân, cần mẫn trong công việc, chịu khó lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, khéo léo thuyết phục, tuyên truyền nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Với vai trò là "cầu nối” vững chắc giữa Đảng với nhân dân, Bí thư chi bộ thôn Nà Háng, xã Mồ Dề và Bí thư Chi bộ bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt là 2 trong số nhiều bí thư chi bộ ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã và đang tạo được lòng tin, sự quý mến đối với bà con đồng bào Mông theo cách làm trên, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng và hành động của đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn Mù Cang Chải.  

(baoyenbai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất